Tiền tệ là gì? Nguồn gốc và chức năng của tiền tệ
Tiền tệ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Nhưng thực chất tiền tệ là gì? Bản chất và chức năng của nó như thế nào? Để hiểu rõ hơn, hãy cùng Pronexus khám phá và phân tích chi tiết trong bài viết sau.
Tiền tệ là gì?
Tiền tệ là phương tiện thanh toán chính thức theo pháp luật, dùng để trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong một khu vực, quốc gia hoặc nền kinh tế. Do đó, tiền tệ còn gọi là “tiền lưu thông”.
Thông thường, tiền tệ do cơ quan nhà nước (như ngân hàng trung ương) phát hành. Bản thân tiền tệ không có giá trị; giá trị của nó phụ thuộc vào giá trị đại diện, tùy theo nền kinh tế và nhà phát hành.
Có nhiều quan điểm về tiền tệ từ các góc nhìn khác nhau:
- Theo Mác, tiền tệ là hàng hóa đặc biệt, dùng để đo lường giá trị của các hàng hóa khác.
- Theo các nhà kinh tế, tiền tệ là bất cứ thứ gì chấp nhận trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ hoặc trả nợ.
- Theo nghiên cứu, tiền tệ phản ánh tốc độ phát triển của nền kinh tế và các giai đoạn lịch sử.
- Theo quan điểm trọng thương, tiền tệ là biểu hiện của sự giàu có; quốc gia giàu là quốc gia tích lũy nhiều tiền.
- Theo quan điểm trọng nông, tiền tệ là hư ảo, chỉ như chất bôi trơn trong guồng máy kinh tế.
- Theo N. Gregory Mankiw, tiền tệ là tài sản có thể dùng ngay để thực hiện giao dịch.
- Theo Frederic S. Mishkin, tiền tệ là bất cứ thứ gì chấp nhận để trao đổi hàng hóa, dịch vụ hoặc thanh toán nợ.
Nguồn gốc của tiền tệ
Vào thời cổ đại, khi chưa có tiền, người ta mua bán hàng hóa và dịch vụ bằng cách trao đổi sản phẩm có giá trị tương đương. Khoảng năm 3000 trước Công nguyên, tiền xu ra đời. Người Lưỡng Hà (nay là Iraq) đúc những đồng tiền xu đầu tiên từ đồng, sau đó từ sắt. Việc thanh toán bằng tiền xu thuận tiện hơn nhiều so với việc cân đo khối lượng hàng hóa, góp phần thúc đẩy thương mại.
Từ năm 600 đến 1455, tiền giấy xuất hiện ở Trung Quốc. Ngân hàng Thụy Điển sau đó sản xuất giấy bạc ở châu Âu. Đến thập niên 1690, tiền giấy đã bắt đầu trở nên phổ biến tại Mỹ.
Trải qua quá trình phát triển, tiền được chính thức chấp nhận là đại diện cho giá trị trong trao đổi hàng hóa. Ngân hàng và thương gia thanh toán bằng biên nhận trên hóa đơn, quy đổi bằng tiền mặt. Những hóa đơn này được sử dụng rộng rãi và có giá trị như tiền. Ngày nay, ngoài tiền xu và tiền giấy, còn có tiền điện tử và tiền mã hóa. Tuy nhiên, các loại tiền này không được Chính phủ bảo hộ.
Chức năng của tiền tệ
Vậy chức năng của tiền tệ là gì và đóng góp ra sao vào sự phát triển của nền kinh tế? Dưới đây là 5 chức năng cơ bản và thiết yếu của tiền tệ.
Phương tiện trao đổi
Quá trình trao đổi hàng hóa trực tiếp giữa các chủ thể dần được thay thế bằng hình thức gián tiếp khi tiền tệ xuất hiện. Tiền tệ đóng vai trò trung gian và vật ngang giá chung, giúp cho hoạt động mua bán diễn ra thuận tiện và nhanh chóng.
Phương tiện đo lường giá trị
Tiền tệ là phương tiện để đo lường giá trị hàng hóa và dịch vụ. Mỗi hàng hóa được định giá bằng tiền tệ, tương tự như cách chúng ta định khối lượng bằng cân hay chiều dài bằng mét. Khi giá trị hàng hóa được biểu hiện bằng tiền tệ, nó được gọi là giá cả. Giá cả này chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như giá trị hàng hóa, giá trị tiền tệ và quan hệ cung-cầu trên thị trường. Chức năng này của tiền tệ còn thể hiện qua việc đo lường sự phát triển xã hội và mức sống của con người, từ đó tạo ra một nền kinh tế tiền tệ hóa.
Phương tiện thanh toán
Tiền tệ đơn giản hóa quá trình trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa các chủ thể, có thể dùng để mua bán, trả nợ, nộp thuế,… Tiền tệ được công nhận bởi nhà nước và có độ chính xác cao về giá trị trao đổi.
Phương tiện tích lũy
Tiền tệ được xem là tài sản tích lũy khi rút khỏi lưu thông và cất trữ. Lượng tiền cất trữ càng nhiều, của cải vật chất trong xã hội càng lớn, biểu hiện cho tài sản của nền kinh tế quốc gia.
Tiền tệ thế giới
Tiền tệ có chức năng là tiền tệ thế giới khi được các nước công nhận và sử dụng theo tỷ giá hối đoái, tức là chênh lệch giá trị đồng tiền giữa các quốc gia. Tỷ giá hối đoái được quy định theo nền kinh tế của từng quốc gia. Tiền tệ thế giới là phương tiện thanh toán quốc tế giúp cho mọi quá trình trao đổi diễn ra thuận tiện hơn.
Bản chất của tiền tệ
Bản chất của tiền tệ là một loại hàng hóa đặc biệt, đóng vai trò là vật ngang giá chung thống nhất cho các hàng hóa khác và là trung gian môi giới trong quá trình trao đổi. Tiền tệ giúp cho việc mua bán diễn ra thuận tiện và dễ dàng hơn. Về cơ bản, tiền tệ có 2 thuộc tính bao gồm:
Giá trị sử dụng của tiền tệ:
Đây là khả năng đáp ứng nhu cầu trao đổi của xã hội, làm trung gian trong quá trình trao đổi. Tiền chỉ tồn tại khi xã hội có nhu cầu sử dụng nó, đồng thời giá trị sử dụng của tiền tệ phụ thuộc vào sự công nhận của xã hội. Tiền sẽ tồn tại như vật trung gian khi xã hội còn công nhận vai trò của nó.
Giá trị của tiền:
Được thể hiện qua sức mua, tức khả năng đổi lấy nhiều hay ít hàng hóa khác trong trao đổi. “Sức mua” này được đánh giá trên phương diện toàn thể các hàng hóa trên thị trường.
Chính sách của tiền tệ
Chính sách tiền tệ được chia thành hai loại dựa trên mục tiêu và phương thức hoạt động:
- Chính sách tiền tệ mở rộng: Tăng cung tiền để giảm lãi suất và tăng tổng cầu, thường áp dụng khi nền kinh tế suy thoái. Chính sách này được thực hiện qua việc mua giấy tờ giá trị trên thị trường chứng khoán, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc hạ lãi suất chiết khấu.
- Chính sách tiền tệ thu hẹp: Giảm cung tiền để tăng lãi suất và giảm mức giá chung, áp dụng khi nền kinh tế đang gia tăng lạm phát. Chính sách này được thực hiện bằng cách bán giấy tờ giá trị trên thị trường chứng khoán, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc tăng lãi suất chiết khấu.
Bài viết trên của Pronexus đã giải đáp các câu hỏi về tiền tệ, phân tích bản chất và chức năng của nó. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn có thêm kiến thức và hiểu rõ tiền tệ là gì và biết được các loại tiền tệ đang lưu thông trên thị trường hiện nay.